Đừng Học Tiến Sĩ Sẽ Hết Độc Thân - Chương 51
- Home
- Đừng Học Tiến Sĩ Sẽ Hết Độc Thân
- Chương 51 - Những gì khởi đầu với sự bất chính ắt phải được củng cố bằng tội lỗi
“Things bad begun make strong themselves by ill.” – Macbeth (Act 3, Scene 2)
———
Thợ gõ: Dờ
Sau khi hồi ức vừa kết thúc, chuông cửa vang lên.
Biên Thành đứng dậy đi ra nhận đồ ăn cho bữa tối, Văn Địch ngồi bên bàn, trong lòng trào lên một thứ cảm xúc không biết là kinh ngạc hay sợ hãi.
Cậu thử tưởng tượng ra dáng vẻ tươi cười khen ngợi đồ ăn mẹ nấu như bao đứa trẻ bình thường khác của Biên Thành, cậu tưởng tượng rất khó khăn.
Hóa ra giáo sư còn có một mặt như vậy.
Biên Thành cầm túi đồ ăn vào nhà, thấy người ngồi ở bàn ăn cứ nhìn mình chằm chằm thì hỏi sao vậy.
Văn Địch lắc đầu: “Có thêm kiến thức mới về lòng người.”
Biên Thành gọi thằng nhóc đang xem hoạt hình ra, tuy Giang Vũ xem rất chăm chú nhưng nghe thấy tên mình là lập tức đi ra ngay, ngồi xuống ghế thật ngay ngắn.
Biên Thành đưa phần cơm của nó ra, nó tách đũa rồi bắt đầu ăn rất nghiêm túc. Văn Địch nhìn thấy dáng vẻ ăn cơm đầy nề nếp của nó, động tác này khiến người ta mất đi sự thèm ăn. Cậu thoáng thấy được sự tương tự nào đó về huyết thống gia đình.
Biên Thành đã chứng minh điều cậu nghĩ là đúng, bắt đầu làm ra động tác ăn cơm giống hệt như đang soi gương với Giang Vũ. Sau khi ăn xong, ba người thu dọn hộp cơm, Giang Vũ lấy quyển sách sưu tầm từ trong tủ sách ở phòng khách ra rồi vội vàng giơ lên: “Anh ơi, xem này!”
Văn Địch tò mò đưa tay đón lấy và mở quyển sách của Giang Vũ ra xem, trên đó dán rất nhiều cỏ bốn lá.
Biên Thành giải thích với cậu: “Thằng bé thích sưu tầm những thứ như vậy.”
Giang Vũ vui vẻ lật từng trang một, những chiếc lá được dán rất ngay ngắn: “Cuối cùng cũng dán đầy rồi!”
Văn Địch tưởng rằng Biên Thành sẽ khen ngợi vài câu hoặc ít nhất cũng gật đầu gì đó, kết quả là anh nói với em trai đầy nghiêm nghị: “Gấp sách lại, chúng ta cần nói chuyện một chút.”
Hiếm khi Giang Vũ mới thấy vẻ mặt này của anh trai, nó gấp quyển sách lại, cảm giác như mình đã làm sai chuyện gì đó nhưng không biết sai ở đâu.
“Chúng ta cần phải đổi trường học khác.” Biên Thành nói.
Văn Địch tỏ ra tán thành. Cho dù là vì lý do muốn bồi dưỡng sở thích hay vì Giang Vũ thích hoạt động của câu lạc bộ thì cũng không thể tiếp tục ở lại ngôi trường này được nữa.
Phản ứng của Giang Vũ vượt xa dự đoán của hai người. Bình thường thằng bé hay nhẫn nhịn chịu đựng, bị uất ức cũng có thể vui vẻ lại ngay, thế nhưng lúc này nó phản đối quyết liệt: “Không được.”
“Trường học đó không phù hợp với em,” Biên Thành nói: “Chúng ta đổi sang trường khác tốt hơn.”
Không biết là Giang Vũ nghe không hiểu hay ngoan cố, nó lặp lại: “Không được.”
Đứa trẻ này luôn rất ngoan ngoãn nghe lời, Biên Thành cũng thấy khó hiểu: “Tại sao?”
“Ở đó có bạn.”
Biên Thành thở dài, đây là một vòng tuần hoàn. Giang Vũ cứ như một cái nam châm hình người, đi đến đâu cũng thu hút một vài người xấu xa. Bọn chúng xoay Giang Vũ như chong chóng, mà người bị hại lại không hề hay biết gì, bị bán còn giúp người ta đếm tiền.
Anh đau đầu, không biết phải giải thích về xã hội hiểm ác cho thằng bé ngốc nghếch luôn vui vẻ này như thế nào. Sau đó Giang Vũ rời khỏi bàn ăn, chạy về phòng ngủ.
Lúc trở ra, nó cầm theo một miếng kim loại. Nó cẩn thận đặt đồ vật đó lên bàn rồi giới thiệu với hai người: “Bạn tặng cho em.”
Văn Địch thò đầu nhìn thử, là một cái kẹp sách bằng kim loại, “Tại sao bạn ấy lại tặng em cái này?” Cậu hỏi.
Giang Vũ ngẫm nghĩ rồi đáp: “Không biết, bạn ấy không cho em nói chuyện với bạn ấy.”
Biên Thành càng nhức đầu hơn. Có vẻ như thứ này không phải là quà, mà là chế giễu. Cảnh tượng tặng quà có lẽ là như thế này: Một bạn học nào đó đang đọc sách, Giang Vũ tò mò hỏi cậu đang làm gì vậy. Bạn học cười khinh thường rồi nói: “Thằng ngốc mà cũng đòi đọc sách à”, ném kẹp sách cho thằng bé, sau đó cùng cười nhạo với đám trẻ xung quanh.
“Sau này em đừng lại gần loại người ấy.” Biên Thành nói: “Bạn ấy tên là gì?”
“Cù Duệ Hành.” Giang Vũ viết tên lên bàn nhưng mới viết đến phần bên trái của chữ thì sững người, vò đầu nhớ lại những nét tiếp theo, sau đó chán nản phát hiện ra mình đã quên rồi. Sao cậu ấy không chọn một cái tên đơn giản hơn chứ. [1]
[1] Cù Duệ Hành 瞿睿衡.
Biên Thành chỉ biết được cách phát âm nhưng điều đó cũng không thể ngăn anh đưa cái tên này vào danh sách bị cáo.
Văn Địch đứng ở bên cạnh im lặng quan sát một lúc, sau đó nhìn Biên Thành và nói: “Ngày mai anh đến trường thì đưa em đi cùng nhé.”
Biên Thành hơi ngạc nhiên: “Em đến làm gì?”
“Từ chức,” Văn Địch nói: “Đắc tội với nhà tài trợ vàng của trường rồi, em còn tiếp tục ở lại được hay sao? Trước khi họ sa thải thì em phải từ chức trước, như vậy sẽ thể hiện rằng em ngứa mắt bọn họ chứ không phải là họ sa thải em. Đây gọi là phương pháp thắng lợi tinh thần.”
“Xin lỗi em,” Biên Thành nói: “Em gặp chuyện này vì em trai tôi, gây phiền toái cho em rồi.”
“Xin lỗi anh.” Giang Vũ vội vàng cúi đầu xuống, nó biết ý nghĩa của chữ “gây phiền toái”.
“Em đang cảm thấy tự hào vì làm anh hùng mà, hai người đừng có phá hoại bầu không khí,” Văn Địch xua tay, “Không sao, em quen rồi. Dù gì em cũng mang thể chất xui xẻo, thêm một lần cũng có sao đâu.”
“Thể chất xui xẻo?” Giang Vũ nghiền ngẫm bốn chữ này.
“Tức là rất kém may mắn,” Văn Địch nói ra rồi cảm thấy buồn rầu, vận xui của cậu đã lây lan từ học thuật sang kiếm việc làm rồi, mong sao đến kỳ tuyển dụng sẽ khá hơn một chút.
Ăn cơm xong, Văn Địch còn việc phải làm nên đứng dậy chào tạm biệt. Tuy hai nhà cách nhau không đến mười bước chân nhưng Biên Thành vẫn tiễn cậu ra cửa.
Biên Thành nhìn câu đối trên cửa, nói: “Đã lâu rồi chúng ta không nói chuyện hòa bình như thế này.”
“Không phải vì có trẻ con ở bên cạnh à?”
“Đúng vậy,” Biên Thành nói: “Cảm ơn em đã giúp đỡ, hôm nào em rảnh, tôi mời em một bữa cơm.”
Văn Địch cảm thấy điều này là hợp lý nên đồng ý, sau đó cậu đột nhiên nhận ra một chuyện: “Em đến nhà anh ăn cơm mà sao thằng bé không thấy kỳ lạ vậy? Thằng bé biết em là ai sao?”
“Không, chỉ là thằng bé rất thích em,” Biên Thành cố gắng làm cậu yên tâm, “Thằng bé không biết quan hệ của hai chúng ta, cũng không biết là anh dâu đã giúp nó.”
“Anh dâu là cái gì chứ!”
“Brother-in-law?”
Văn Địch ôm đầu, cái quái quỷ gì vậy! “Tạm biệt!”
Cậu vừa định sập cửa thì có một cái đầu ló ra. Văn Địch cúi xuống, thấy Giang Vũ đang nhìn mình với ánh mắt tràn đầy mong đợi.
“Có muốn chào tạm biệt anh không?” Biên Thành nói.
Giang Vũ lắc đầu, lấy quyển sách sưu tầm ra đưa cho Văn Địch.
Văn Địch nhìn quyển sách, không biết phải làm gì. “Em cho anh à?” Cậu do dự một chút rồi nhận lấy, “Tại sao?”
“Cỏ may mắn,” Giang Vũ nói: “Sau này mọi chuyện sẽ tốt lên thôi.”
Văn Địch cúi đầu nhìn màu xanh của cỏ trên trang giấy. Cỏ bốn lá được hái cẩn thận và phơi khô, ép phẳng bằng bìa các tông rồi kẹp vào trong sách đầy ngăn ngắn.
“Cảm ơn em.” Văn Địch nói. Chỉ một khoảnh khắc này, cậu bỗng nhiên hiểu ra rất nhiều chuyện.
Sáng ngày hôm sau, Văn Địch vừa vệ sinh cá nhân xong là Biên Thành gõ cửa. Có xe đưa đi đón về thật là sung sướng.
Đến trường học, trước tiên cậu đến trường cấp ba để nộp đơn xin từ chức, nhận lương thực tập. Còn Biên Thành thì đến phòng hiệu trưởng trong tòa nhà hành chính.
Phòng hiệu trưởng rất rộng rãi, đi vào sẽ nhìn thấy phòng họp đầu tiên, bên trong có hai chiếc sô pha đối diện nhau. Trên bàn kính ở giữa thì có gạt tàn và chén trà. Hôm qua Biên Thành đã nhận được điện thoại của phó hiệu trưởng Phương – chuyên quản lý những sự vụ liên quan đến học sinh, phó hiệu trưởng nói hôm nay sẽ bàn chuyện ở đây.
Nhưng đến lúc đi vào mới phát hiện ra, ở đây chỉ có một mình anh.
Thư ký bước vào với nụ cười nhạt, rót một chén trà cho anh.
Biên Thành hỏi: “Phụ huynh của Dương Thiên Hoa đâu?”
“Ông bà Dương hôm nay có một bữa tiệc quan trọng nên không có thời gian tới đây,” Thư ký nói: “Luật sư của họ sẽ nói chuyện với anh.” Anh ta nhìn Biên Thành, “Có lẽ là tắc đường rồi, anh cứ đợi một lát đi.”
Biên Thành nhíu mày. Thái độ của đối phương còn ngạo mạn hơn cả tưởng tượng của anh.
Không lâu sau đó, hai người đàn ông trung niên xuất hiện ở cửa. Một người bụng phệ, một người đóng bộ âu phục giày da. Thư ký chỉ vào người béo hơn rồi giới thiệu đây là phó hiệu trưởng Phương, người còn lại đương nhiên là luật sư của nhà họ Dương.
Nhìn dáng vẻ tươi cười của phó hiệu trưởng, Biên Thành biết hôm nay mình tới đây phí công rồi.
Quả nhiên, anh vừa mở miệng nhắc đến chuyện hôm qua, nụ cười của phó hiệu trưởng Phương đã vụt tắt, ông ta nhíu chặt lông mày: “Bắt nạt học đường? Trường học của chúng tôi không bao giờ xảy ra hiện tượng này.” Ông ta nói một cách nghiêm túc.
Biên Thành quay màn hình điện thoại ra, trên đó là mấy tấm ảnh chụp những chỗ bị bầm tím trên cánh tay và đùi.
Phó hiệu trưởng Phương cầm lấy xem rồi lắc đầu, trả lại điện thoại: “Phụ huynh của em Giang Vũ, chúng tôi thực sự có thái độ cầu thị, thế nhưng những đứa trẻ ở độ tuổi này thường hay đùa giỡn trong giờ nghỉ, hoặc là học thể dục thì đều có thể bị thương. Trường chúng tôi có rất nhiều câu lạc bộ đa dạng, những đứa trẻ học đấu kiếm, cưỡi ngựa, khúc côn cầu cũng bị bầm tím chân tay rất nhiều.”
“Thằng bé không biết đấu kiếm, cưỡi ngựa hay khúc côn cầu.”
“Sao anh biết được? Có những lúc phụ huynh không hiểu con trẻ đâu.”
Biên Thành nhìn ông ta: “Ý ông là sao?”
“Anh đâu phải là cha mẹ ruột của đứa trẻ, anh cũng chưa ở với thằng bé một thời gian dài,” Phó hiệu trưởng nói: “Có nhiều khi trẻ nhỏ sẽ phóng đại sự thật, người làm phụ huynh như chúng ta phải phân biệt cho rõ ràng.”
Luật sư đứng cạnh cũng lên tiếng: “Anh Biên, pháp luật cần chứng cứ. Nếu là bạo lực vật lý thì cần kết quả báo cáo thương tích, còn nếu là bạo lực tinh thần thì cần chứng minh bằng giấy chẩn đoán. Anh không có chứng cứ gì mà lại cáo buộc bắt nạt học đường, vậy thì khác nào đổ oan cho người khác?”
“Nếu thằng bé không gãy vài cái xương sườn hay bị vài vết sẹo thì coi như không có chuyện gì?” Biên Thành lạnh lùng nhìn ông ta: “Chỉ cần nó không phát điên, không trầm cảm, cũng coi như không có chuyện gì?”
“Phụ huynh em Giang Vũ, anh bình tĩnh lại một chút. Chuyện này đâu có nghiêm trọng như anh nói?” Phó hiệu trưởng nói: “Anh đâu có mặt lúc xảy ra chuyện.”
“Tôi có mặt.” Một giọng nói vang lên ở cửa.
Hai người đang tranh cãi trước sô pha cùng quay ra, nhìn thấy Văn Địch đứng ở cửa.
Phó hiệu trưởng nhìn luật sư, dường như là đang trách ông ta vì không ngăn cản được cậu: “Cậu cũng là phụ huynh của Giang Vũ?”
“Tôi là người làm chứng,” Văn Địch nói: “Tôi chính mắt nhìn thấy học sinh Dương đâm xe vào bạn học.”
Luật sư và phó hiệu trưởng nhìn nhau, “Cậu chắc chắn là đâm xe chứ? Đương sự của tôi nói rằng là do Giang Vũ phản ứng chậm nên không tránh kịp,” Luật sư nói: “Hay là cậu có ghi hình?”
“Nhìn thấy người khác bị xe đâm, phản ứng đầu tiên là đi ra đỡ dậy, làm gì có tâm tư nghĩ đến việc ghi hình?”
Luật sư mỉm cười: “Vậy…”
“Nhưng tôi đã ghi âm những chuyện xảy ra sau đó rồi.” Văn Địch lấy điện thoại ra, phát hai câu ngắn gọn.
[Anh là thực tập thì vênh váo cái gì? Bố tôi giơ một ngón tay thôi là cả nhà anh phải chết đấy, có tin không?]
[Tưởng mình là thầy giáo mà ngon hả? Tôi gọi một cuộc điện thoại là anh bị đuổi ngay!]
Sắc mặt của hai người còn lại đều tối sầm. Văn Địch tắt điện thoại rồi than thở: “Nếu như đăng tải lên mạng thì chắc chắn sẽ bùng nổ luôn. Trùng hợp làm sao, tôi có một người bạn làm truyền thông cá nhân.”
Cậu liếc nhìn Biên Thành – tuy hai người cũng nói rất nhiều câu trong đoạn ghi âm đó, nhưng có thể cắt ghép phù hợp mà.
“Mẹ của thằng nhóc còn đặc sắc hơn kìa,” Văn Địch lại bổ sung: “Đúng là mẹ nào con nấy.”
Luật sư nhìn chằm chằm vào cậu, dường như là đang suy nghĩ cách đối phó với sự phiền phức từ dư luận. Một lát sau, luật sư quay lại hỏi Biên Thành: “Anh muốn giải quyết thế nào?”
“Cho thôi học, ghi rõ hành vi bạo lực với bạn vào học bạ,” Biên Thành nói: “Yêu cầu này đủ hợp lý rồi chứ.”‘
Luật sự nhíu mày, giống như là không hề đồng ý với từ “hợp lý” này. Ông ta suy nghĩ một lúc rồi nói: “Thế này đi, tuy đương sự của tôi không cố ý nhưng dù gì cũng đã làm bạn học Giang Vũ bị thương, chúng tôi có thể bồi thường tổn thất của gia đình anh bằng kinh tế.”
“Không cần,” Biên Thành nói: “Tôi đã nói yêu cầu của mình rồi, tôi hy vọng ông sẽ cho tôi một đáp án trước 5 giờ chiều ngày mai. Còn nữa, ông hãy bảo cha mẹ của Dương Thiên Hoa đến đây nói chuyện trực tiếp với tôi, không thì tôi sẽ đăng đoạn ghi âm này lên mạng.”
Anh đứng lên, đi vòng qua cái bàn với chén trà nguội ngắt, đứng trước mặt Văn Địch. Văn Địch đương nhiên là đi theo anh ra cửa rồi tới bãi đỗ xe.
Suốt dọc đường, những học sinh hoạt bát vẫn đang đùa nghịch, tiếng cười vang khắp khuôn viên trường. Dường như thời thanh xuân thơ ấu và tương lai phía trước của chúng sẽ không bao giờ xảy ra bất cứ chuyện phiền lòng nào.
Đi đến khúc ngoặt ở tòa nhà lớp học, Văn Địch nói: “Nếu là em thì cứ thôi học luôn cho rồi. Không cần rêu rao, không cần làm to chuyện, cũng không cần nhận lại một lời giải thích thỏa đáng.”
“Tuy rằng em rất thích tình tiết chính nghĩa chiến thắng, nhưng điều đó rất khó thực hiện được trong cuộc sống thật,” Văn Địch nói: “Dân thường thấp cổ bé họng mà, việc phản kháng tầng lớp giàu có sẽ đem lại nhiều phiền toái hơn là lợi ích, cho nên phản ứng đầu tiên là bỏ qua.”
“Vậy thì tại sao…”
“Vì có anh ở đó,” Văn Địch quay đầu lại, khẽ cười với anh: “Em tin rằng anh sẽ gánh vác phần phiền toái.” Nói xong, cậu lại hỏi trong sự thấp thỏm: “Anh sẽ làm vậy chứ?”
Biên Thành vội vàng cam đoan: “Đương nhiên rồi.”
Văn Địch gật đầu, giống như là không cần nhiều lời lẽ chứng minh dư thừa nữa. Sau đó cậu lại hỏi: “Vậy vì sao anh không sợ phiền toái?”
“Trường học không phải là xã hội,” Biên Thành nói: “Ít nhất là trong giai đoạn giáo dục bắt buộc, chúng ta không thể dùng chuyện này để cho học sinh biết rằng chỉ cần có quyền thế thì việc gì mình làm cũng đúng, làm gì cũng không để lại hậu quả. Nếu đây là quan niệm mà nhà trường dạy cho học sinh, vậy thì xã hội này vô vọng thật rồi.”
Văn Địch không hề bất ngờ khi anh có cách nghĩ như vậy. Người này tôn thờ chủ nghĩa lý tưởng một cách đáng sợ trong lĩnh vực giảng dạy và học thuật.
Nhắc tới trường học, Biên Thành nhớ ra Văn Địch vừa mới từ chức, anh nói: “Liên lụy đến em phải từ bỏ công việc, tôi xin lỗi.”
Văn Địch thở dài: “Dạo này em nghe anh xin lỗi đến phát chán rồi. Đã bảo không sao rồi mà, việc gì phải ở lại cái trường rách nát này, với lại em vẫn luôn định đi dạy ở trường đại học.”
Cưới nhau năm năm rồi, đây là lần đầu tiên hai người nói chuyện về dự định tương lai. Biên Thành rất tò mò về quy hoạch tương lai của bạn đời: “Vì sao lại muốn làm giảng viên đại học?”
“Cũng không hẳn là muốn,” Văn Địch nói: “Chỉ là tự nhiên… đi theo con đường này.”
“Tự nhiên” đối với Biên Thành không phải là một lý do thỏa đáng. Học thuật vừa khổ vừa mệt, tiền lương lại thấp, ưu điểm duy nhất là được nghiên cứu tự do. Nếu như không thật sự đam mê thì đi theo con đường này rất thiệt thòi: “Nếu không muốn làm học thuật thì tại sao lại học tiến sĩ?”
“Rất nhiều người đâu có học tiến sĩ vì muốn nghiên cứu học thuật,” Văn Địch nói: “Ví dụ như em này, bị chuyển chuyên ngành đại học, không biết gì cả nên mấy năm liền chỉ đọc sách suông. Không quy hoạch có công việc, hết năm ba rồi vẫn chưa đi thực tập, hoàn toàn không có khái niệm gì về ngành nghề và việc làm. Hồi nghỉ hè có cũng nộp hồ sơ vào mấy chỗ, nhưng mà đến vòng phỏng vấn nhóm là đứng hình luôn, không biết phải tranh lượt phát biểu với người khác như thế nào. Người phỏng vấn hỏi em có kinh nghiệm gì phù hợp với vị trí công tác, ngoài học ra thì em chẳng nói được cái gì nữa. Bị từ chối vài lần, em chợt nhận ra điểm mạnh duy nhất của mình là học tập, nơi phù hợp nhất với mình là trường học, vậy thì ở lại trường học cả đời cho rồi. Vậy nên mới học tiến sĩ.”
Nghĩ lại thì đó thật sự không phải là một lựa chọn sáng suốt. Vốn dĩ cậu không thông thạo việc nghiên cứu Văn học, lại còn chọn trúng ông thầy xui xẻo nhất, thứ được rèn luyện nhiều nhất trong quá trình học tiến sĩ là năng lực chạy vặt.
“Đương nhiên còn vì địa vị xã hội,” Văn Địch bổ sung: “Nếu như trò chuyện với bạn bè hay họ hàng, họ hỏi em làm công việc gì, em trả lời là giáo sư đại học, cuộc trò chuyện sẽ kết thúc trong bầu không khí hài hòa đối với cả hai bên.”
“Vậy là, em nghiên cứu học thuật vì muốn không bị khó xử lúc về nhà đón năm mới?”
Văn Địch nhíu mày nhìn anh: “Lý do này quá đủ rồi còn gì! Anh chưa từng sinh hoạt với người thân, cũng không suy xét đến cảm nhận của người khác nên đương nhiên là không để tâm rồi.”
Biên Thành không cãi lại, chỉ hỏi cậu rằng: Nếu như đã bóng gió ám chỉ bản thân không phù hợp học Văn, vậy tại sao không đổi chuyên ngành khác.
“Chuyển ngành đâu có dễ đến thế,” Văn Địch nói: “Thành tích học tập năm nhất năm hai không tốt nên không chuyển được. Sau này thành tích dần tốt lên thì không kịp nữa rồi. Hơn nữa, em chuyển đi đâu bây giờ? Học khoa Văn ra cũng chỉ có ngần ấy công việc, chẳng cần phải chuyển. Còn nếu chuyển sang khoa Tự nhiên thì quá khó.”
Cho nên, giống như việc “tự nhiên” mà nghiên cứu học thuật, cậu cũng “tự nhiên” mà ở lại khoa ngoại ngữ.
Nhìn Biên Thành như đang suy ngẫm điều gì đó, không biết vì sao mà Văn Địch lại cảm nhận được sự tiếc nuối giữa sự im lặng của anh.
“Sao vậy?” Văn Địch hỏi.
“Em thông minh, năng lực học tập rất mạnh, cũng chịu được khổ cực,” Biên Thành nói: “Nếu như ngay từ ban đầu chọn một con đường phù hợp thì có lẽ em sẽ làm rất tốt.”
Văn Địch không hề cảm thấy kinh ngạc kiểu “thiên tài như anh sao lại thấy em thông minh”. Cậu nhìn cây liễu cao chót vót, một lát sau mới nói: “Anh nhớ Vu Tĩnh Di không? Bạn cùng nhà của em.”
Biên Thành gật đầu. Lúc cãi nhau với Văn Địch, anh đã từng thấy mặt cô nàng.
“Cô ấy là người đứng đầu khóa của bọn em,” Văn Địch nói: “Được các giáo sư công nhận là sinh viên xuất sắc nhất của ngành ngoại ngữ mười năm trở lại đây. Luận văn của cô ấy đoạt giải thưởng trong một hội thảo rất quan trọng về ngôn ngữ học. Có một vị giáo sư ở Cambridge rất khen ngợi cô ấy, muốn nhận cô ấy làm học trò.”
“Vậy chẳng phải rất tốt hay sao?”
“Đúng thế, hơn nữa cô ấy rất thích ngôn ngữ học,” Văn Địch ngẫm nghĩ rồi sửa lại, “Không thể nói là thích, phải là say mê. Có điều, tuy nhà cô ấy không tính là hộ nghèo nhưng bố mẹ đều là công nhân bình thường, không có nhiều tiền.”
Biên Thành đã từng nghe chuyện này, có không ít sinh viên ngành Toán học đã chuyển ngành vì vấn đề kinh tế.
“Vốn dĩ cô ấy không định đi, sau khi bố mẹ biết chuyện thì gọi về mắng cho một trận, bảo là làm gì có bố mẹ nào không muốn con gái học Cambridge. Sau đó họ bán nhà lấy tiền cho cô ấy đi học tiến sĩ bên Anh.” Văn Địch ngập ngừng, tiếp tục kể: “Học được hơn một năm, lúc tiến sĩ năm hai, bố cô ấy bị ung thư phổi.”
“Cô ấy bỏ học về chăm sóc bố, chữa trị một năm trời, tiền đã tiêu hết sạch nhưng cuối cùng ông ấy vẫn ra đi,” Văn Địch nói: “Nhà chỉ còn lại một mình mẹ cô ấy, cũng sắp đến tuổi về hưu, vậy mà ngay cả căn nhà cũng chẳng còn. Vốn dĩ Vu Tĩnh Di định tìm việc ở quê nhà, sống cùng mẹ cả đời, thế nhưng mẹ đã khuyên nhủ rằng ở lại quê chỉ làm mai một tài năng của cô ấy, thế là Vu Tĩnh Di lại lên Bắc Kinh. Bây giờ cô ấy vừa dạy IELTS ở trung tâm, vừa học để thi vào bộ Ngoại giao. Lúc còn học đại học, cô ấy chưa từng nghĩ mình sẽ làm công chức. Anh xem, ngay cả khi đi đúng đường từ ban đầu, cuối cùng vẫn chệch quỹ đạo.”
Cuộc đời suốt ba năm qua của Vu Tĩnh Di đau khổ là vậy, thế nhưng lúc cô đọng thành một câu chuyện thì kể vài câu là hết. Văn Địch nhìn những gương mặt non nớt trong khuôn viên trường, trong mắt bọn nhỏ, cuộc đời này có vô số khả năng, ngày mai sẽ tràn đầy hy vọng.
“Thế giới này là một gánh hát rong khổng lồ, tất cả mọi người đều sắm vai nhầm nhân vật,” Văn Địch nói: “Người nên nghiên cứu khoa học thì đang dạy tiếng Anh, người đáng ra làm đạo diễn thì bây giờ đầu tư, học sinh khoa tự nhiên lại đang nghiên cứu Văn học.”
“Một hai người nhầm đường còn dễ hiểu, sao mà tất cả mọi người đều sai như vậy?” Cậu thở dài, nhìn Biên Thành: “Cho nên em ngưỡng mộ anh lắm, chỉ một mình anh cầm đúng kịch bản để diễn tới cuối cùng.”
Tài năng bẩm sinh, phấn đấu, may mắn, cộng thêm ánh hào quang của bậc cha chú, đến tận giờ phút này mà anh vẫn giữ vững được chủ nghĩa lý tưởng chói lọi của mình.
Tốt quá, chủ nghĩa lý tưởng.
Cậu vừa than thở vừa đi vòng qua hồ nhân tạo để đến với khu trường cấp hai. Biên Thành gọi cậu lại trong sự khó hiểu: “Bãi đỗ xe ở phía bên kia.”
“Em biết,” Văn Địch nói: “Em muốn đi tìm một người.”