Đừng Học Tiến Sĩ Sẽ Hết Độc Thân - Chương 50
Thợ gõ: Dờ
Biên Thành tới tham dự tang lễ của Giang Vân Nhược. Nói cho chính xác là, ngoài nhân viên công tác của nhà tang lễ ra thì anh là người duy nhất tới đây.
Giang Vân Nhược đã sắp xếp hậu sự từ lâu, phí chữa trị ở bệnh viện cũng đã trả hết. Sau khi xác nhận qua đời, nhân viên nhà tang lễ lập tức có mặt để gạch hộ khẩu, tiếp nhận di thể và hỏa táng – phục vụ từ A đến Z. Cho dù Biên Thành không đến thì thủ tục tang lễ vẫn được tiến hành một cách có trật tự.
“Đừng để A Vũ đi tiễn tôi.” Giang Vân Nhược dặn dò anh.
Thế là, vào buổi chiều ảm đạm ấy, Giang Vũ ở nhà một mình để sắp xếp lại quyển sách sưu tầm tiêu bản. Còn Biên Thành thì chứng kiến thi thể được hỏa táng, cho vào hộp đựng tro cốt rồi đặt ở một vị trí khá rẻ trong nghĩa trang.
Sau khi tang lễ kết thúc, anh dẫn Giang Vũ về Bắc Kinh, ở trong căn hộ chung cư mà mình đã thuê lúc trước.
Nghe tin anh thăng chức lên làm người giám hộ, Tống Vũ Trì không kiềm chế được sự tò mò, vội vàng tới hóng hớt. Vừa vào cửa đã nhìn thấy ít nhất có hai mươi tờ rơi các trường học bày la liệt trên bàn. Mắt của Tống Vũ Trì trợn lên to gấp hai lần, hỏi bằng khẩu hình: Thằng bé đâu?
“Đang xem hoạt hình trong phòng ngủ.” Biên Thành nói.
Thế là anh ta vào nhà rồi ngồi xuống, bới đống tờ rơi lên, ngắm nhìn một lát rồi nhíu mày: “Tôi cứ tưởng ông đã lên kế hoạch đâu ra đấy, định đưa thằng bé đến trường giáo dục đặc biệt rồi cơ.”
“Tôi đang cân nhắc,” Biên Thành để tờ rơi về chỗ cũ, “Tôi đã sắp xếp theo thứ tự rồi, ông đừng có làm rối lên.”
“Còn gì phải cân nhắc nữa?” Tống Vũ Trì nói: “Thằng bé chẳng phải là…” Cảm thấy nói ra không hay, anh ta chỉ tay lên đầu.
Biên Thành lật quyển sách giới thiệu: “Tôi đã đến mấy ngôi trường giáo dục đặc biệt rồi, họ tập trung tất cả những đứa trẻ lại rồi cho học chung một lớp, không có hệ thống gì cả. Nếu thật sự muốn phát triển trí tuệ cho thằng bé thì biện pháp tốt nhất là mời gia sư riêng. Nhưng thằng bé thích chơi cùng bạn bè đồng lứa, cứ ở mãi trong nhà cũng không tốt, cho nên tôi đang suy nghĩ về những lựa chọn khác.”
“Đây cũng là một trong những lựa chọn của ông à?” Tống Vũ Trì cầm sách giới thiệu của trung học Hưng Thành lên, “Chẳng phải đây là nơi tụ hội của đám con ông cháu cha sao? Bọn trẻ đấy có phát điên thì cũng không ai quản giáo, tôi thấy không ổn đâu.”
“Nhưng tôi đã đưa Giang Vũ đến rất nhiều trường học, thằng bé thích trường ấy nhất.”
“Tại sao?” Tống Vũ Trì lật sách ra xem, “Trường này có gì hay?”
“Chắc là câu lạc bộ,” Biên Thành nói: “Tôi đưa thằng bé đi thăm phòng sinh hoạt câu lạc bộ, có lẽ thằng bé thấy bắn cung, hội họa và làm gốm rất thú vị.”
“Ôi chà, ông định bồi dưỡng nghệ thuật gia đấy hả?”
Biên Thành lắc đầu: “Xét theo gu âm nhạc của thằng nhóc thì không được đâu.”
Tuy thường ngày Biên Thành rất hay chọc tức người khác, cũng rất xa cách với trẻ con, nhưng Tống Vũ Trì tin tưởng vào lòng trách nhiệm của anh. Nếu như đã quyết định gánh vác vai trò người giám hộ thì anh sẽ cố gắng hết khả năng – chỉ là không biết EQ với năng lực giao tiếp của tên này có đủ dùng hay không. Tống Vũ Trì lại nhìn sách giới thiệu, lấy điện thoại ra tìm kiếm rồi hỏi: “Ông không định chuyển nhà sao?”
“Tại sao?” Chung cư này đã được anh sàng lọc kỹ càng, căn hộ còn rất mới, thiết bị đầy đủ, phong cảnh đẹp, các công trình xung quanh cũng tiện lợi.
“Nơi này xa trường học quá,” Tống Vũ Trì chỉ vào địa chỉ trên sách giới thiệu: “Mỗi ngày ông đưa đi đón về phiền toái lắm.”
Biên Thành nhíu mày. Môi trường sống rất quan trọng, anh thà phải đi xa chứ không muốn sống tạm bợ.
“Ông ở chung cư giảng viên là được mà?” Tống Vũ Trì nói: “Cách trường học của Giang Vũ rất gần, cách đại học T còn gần hơn, đi mấy bước là tới nhà ăn rồi, ăn uống cũng tiện lợi.”
Ánh mắt Biên Thành tỏ ra chê bai, anh không thích mấy chung cư cũ. Dù ít dù nhiều thì căn hộ cũng sẽ có vấn đề, động tý là cắt điện, cầu thang bụi bặm, phòng ở chật hẹp đến mức đáng thương, đến cả nhà vệ sinh cũng chung với chỗ tắm.
“Bây giờ ông thành phụ huynh rồi đấy,” Tống Vũ Trì nói: “Ông không được làm bất cứ việc gì tùy theo ý thích nữa mà phải suy xét vấn đề từ góc nhìn của con trẻ.”
“Nói cứ như ông từng nuôi trẻ con không bằng.”
Tống Vũ Trì ngả lưng tựa vào ghế, “Tôi sẽ đến giúp đỡ lúc ông chuyển nhà.”
Hai ngày sau, Biên Thành chuyển vào ở trong căn hộ 301 Hà Thanh Uyển.
Mỗi lần chuyển nhà là một trận chiến mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Biên Thành không thể chịu đựng được đồ đạc bị lệch hoặc những chiếc hộp xếp chồng lên nhau trong tầm nhìn của anh, ngày hôm đó tất cả đồ đạc phải được tháo dỡ và sắp xếp gọn gàng. Giang Vũ cố gắng giúp đỡ, nhưng nó không biết thói quen sử dụng đồ dùng của Biên Thành. Bảng trắng và màn hình ti vi đều bị đặt sai vị trí, Biên Thành đành phải bảo thằng nhóc về phòng chờ đợi một lát.
Vất vả mãi mới dọn dẹp được kha khá thì đã quá nửa đêm. Sàn nhà, kính thủy tinh và mặt bàn vẫn chưa đạt tiêu chuẩn sạch sẽ của Biên Thành. Tuy nhiên ngày mai anh có tiết đi dạy và một vài cuộc họp, vì vậy đành tạm thời gác lại. Biên Thành nằm xuống trong sự khó chịu, cặn bẩn bám trên bồn rửa mặt dường như đã hóa thành vật thể nặng nghìn cân rồi đè lên người anh.
Sáng hôm sau, anh đến căng tin mua hai chiếc bánh bao hấp, cho vào hộp cách nhiệt để Giang Vũ ăn sau khi tỉnh dậy. May mà đang là mùa hè nên chúng sẽ không bị nguội quá nhanh, nếu không thì anh còn phải lo lắng đến chuyện liệu Giang Vũ có biết sử dụng cái lò vi sóng thông minh mới mua hay không. Buổi trưa anh mang đồ ăn từ trường về nhà, đưa cho thằng bé qua khe cửa rồi tiếp tục quay về tranh cãi với trưởng khoa.
Họp xong, dưới ánh mắt sắc lẹm của trưởng khoa, Biên Thành vội vàng về nhà chuẩn bị tổng vệ sinh. Dụng cụ dọn dẹp đều đầy đủ, nhà tuy nhỏ nhưng có rất nhiều góc khuất bị bám bẩn, đây sẽ là một công trình lớn. Trải qua chuyện chuyển nhà và tranh luận học thuật, Biên Thành cảm thấy kiệt sức cả về thể chất và tinh thần.
Sau đó anh mở cửa ra, đừng thẫn thờ ở trước cửa nhà.
Nhà sạch sẽ mới tinh, sàn nhà phản quang như đánh sáp. Bệ bếp sáng bóng, kính thủy tinh trong suốt như hòa làm một với nền phong cảnh. Khi mở phòng tắm ra, cái bồn cầu bằng sứ trông không khác gì vừa được xuất xưởng. Bồn rửa mặt có thể phản chiếu bóng người, tất cả túi đựng rác cũng đã được thay thế.
Đây không phải là sạch sẽ bình thường, đây là tiêu chuẩn sạch sẽ của Biên Thành.
Sau đó Giang Vũ thò đầu ra từ phòng ngủ, nói thật to: “Chào buổi sáng!”
Biên Thành ngắm nhìn xung quanh, không thể tin vào mắt mình: “Đây là em làm?”
Giang Vũ gật đầu, nói đầy tự hào: “Em giỏi dọn dẹp lắm! Sàn nhà lớp học, bàn ghế, kính cửa sổ đều do em phụ trách!”
Biên Thành nhớ lại hôm đến thăm nhà của Giang Vân Nhược, đột nhiên hiểu ra. Giang Vân Nhược bị bệnh nặng, không có nhiều thể lực để dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ đến vậy được, nhất định là có người khác đã quét dọn.
Biên Thành nói “vậy sao”, sau đó đổ đồ ăn mang về ra đĩa, bỏ vào lò để hâm nóng. Anh tiện thể dạy cho Giang Vũ biết những nút bấm ấy có tác dụng gì, nhưng mà có vẻ quá khó. Giang Vũ chỉ hiểu được cách dùng loại lò vi sóng đơn giản là “bỏ vào, bấm 1 lần”. Cuối cùng, anh đành phải điều chỉnh cài đặt, chỉnh thời gian và công suất đến mức độ phù hợp với đa số tình huống, tóm gọn cách sử dụng lại chỉ còn một bước bấm “bắt đầu”.
Giang Vũ nói đã hiểu rồi.
Biên Thành ăn một bữa cơm im lặng với thằng bé, bởi vì anh không nói chuyện, còn Giang Vũ cũng không tìm được đề tài để nói. Biên Thành nghĩ, có lẽ Giang Vân Nhược sẽ không như thế này. Vừa bật ra ý nghĩ này, anh bỗng nhiên ý thức được một chuyện rất quan trọng, một chuyện mà anh bắt buộc phải giải thích với tư cách là người giám hộ.
Mẹ đi đâu rồi.
Giang Vân Nhược bỗng nhiên biến mất khỏi cuộc sống, Giang Vũ phản ứng chậm, một hai ngày thì không sao, lâu ngày thì kiểu gì thằng nhóc cũng hỏi. Còn anh, anh bắt buộc phải đưa ra một câu trả lời hợp lý.
Rất rõ ràng, anh không thể nói rằng “mẹ em mất rồi” được. Nói thật vào lúc này sẽ phản tác dụng, cần phải biểu đạt bằng cảm xúc khéo léo.
Đó là điểm chết của anh.
Biên Thành tìm kiếm rất nhiều vụ tương tự trên mạng, có vô số cách để nói ra. Ví dụ như “mẹ em đã đến một nơi gọi là thiên đường, nơi ấy rất đẹp”, “mẹ đã biến thành một ngôi sao trên trời, mẹ vẫn luôn dõi theo em”, “mẹ đã đi du lịch ở một nước rất xa, mẹ sẽ thường xuyên viết thư cho em”.
Nhưng dù là cách nào thì vẫn không trả lời được câu hỏi vì sao.
Vì sao người yêu thương em như vậy lại rời bỏ em để đến một nơi rất xa xôi?
Biên Thành nghĩ tới nghĩ lui, ngâm cứu ngược xuôi, vẫn chưa có được đáp án hài lòng nhất. Câu hỏi này còn khó giải quyết hơn cả giả thuyết Tate.
Nhưng mà, mấy ngày trôi qua, mấy tuần trôi qua, Giang Vũ vẫn chưa thấy có vấn đề gì. Những đáp án mà Biên Thành chuẩn bị sẵn vẫn chưa được dùng tới.
Cho đến một ngày mùa thu, hai người ngồi bên bàn nếm thử đồ ăn Mexico của cửa tiệm mới mở gần đây. Sự ngờ vực đã bao trùm lấy Biên Thành, anh hỏi về vấn đề ấy: “Em không tò mò mẹ đã đi đâu sao?”
Giang Vũ vừa cầm lên thật cẩn thận để không làm rơi hạt ớt trong Taco, vừa nói: “Đi chết ạ.”
Chính cậu bé nhắc tới chữ này trước khiến Biên Thành không biết phải phản ứng ra sao. Một lát sau, anh hỏi: “Em biết chết nghĩa là gì không?”
Giang Vũ suy nghĩ thật lâu rồi nói: “Là một nơi rất rộng, rất tối.”
Khá gần với sự miêu tả chân thực về cái chết.
“Hóa ra mẹ đã nói cho em biết từ lâu rồi.”
“Ừm,” Giang Vũ nói: “Em với mẹ đã hứa rồi.”
Luôn là như vậy.
Từ nhỏ cậu bé đã sợ bóng tối, dường như có một con quái vật không tên đang ẩn nấp ở trong đó, có thể bổ nhào ra và nuốt chửng nó bất cứ lúc nào.
Một buổi tối nọ, cả khu bị cắt điện, cậu bé muốn đi vệ sinh nhưng sợ tối nên không dám đi. Mẹ nói với nó: “Con chờ ở đây một lát, mẹ đi trước xem sao.”
Mẹ đi loanh quanh trong bóng tối rồi quay lại nói với cậu bé: “Không có gì cả, chẳng đáng sợ chút nào.”
Thế là Giang Vũ yên tâm đi ra.
Sau khi chuyển nhà, nó và mẹ ở trong căn nhà nhỏ ven sông. Cách đó không xa có một rừng cây, tán lá rậm rạp um tùm, đứng bên ngoài sẽ không biết trong đó có cái gì. Nó muốn đi vào xem thử nhưng lại thấy sợ hãi.
Mẹ cũng bảo nó đợi bên ngoài, đợi bà ấy đi vào rồi quay ra, bà nói với nó rằng bên trong không đáng sợ chút nào, thế là Giang Vũ không sợ nữa.
Ở bệnh viện, thằng bé hỏi mẹ, tại sao dạo này trông mẹ buồn thế, tại sao luôn nằm ở trên giường. Mẹ bảo, mẹ sắp phải tới một nơi gọi là chết.
“Nơi đó có đáng sợ không ạ?”
“Ừm, rất rộng, rất tối, nhìn không thấy điểm cuối.” Mẹ nói: “Với lại, ai rồi cũng phải tới đó, tương lai A Vũ cũng phải đi.”
Nó hơi sợ hãi.
“Cho nên,” Mẹ nói: “Con ở lại đây đợi một lát, mẹ sẽ giúp con đi trước xem sao.”
Nó đáp “vâng” rồi cảm thấy thoải mái hơn.
“Nhưng mà, nơi ấy rộng lớn quá, đi hết một vòng chắc là phải tốn rất nhiều rất nhiều thời gian,” Mẹ nói: “Con đừng sốt ruột, cứ kiên nhẫn đợi mẹ trở về, được không?”
Nó gật đầu.
“Mẹ đã nói với anh con rồi. Trong quãng thời gian này, con cứ nắm lấy tay anh rồi đợi mẹ, nhé?”
“Con sẽ chờ thật ngoan.” Giang Vũ nói.
Nó sẽ chờ thật ngoan.
Nó sẽ nắm lấy tay anh trai để đi hết quãng đời dài đằng đẵng còn lại.
Đợi đến nhiều năm sau, mẹ sẽ quay về và đón lấy nó từ trong tay anh. Nó sẽ ủ rũ hỏi sao mẹ đi lâu thế, cũng sẽ tò mò hỏi, rốt cuộc chết là nơi như thế nào.
Sau đó mẹ sẽ trả lời rằng: Không có gì cả, chẳng đáng sợ chút nào.